Thảo Ly, 28 tuổi, liên tục nghe ngóng về tuyến tàu cao tốc TP HCM – Côn Đảo và đã “săn” được vé ngày 17/5, hai ngày sau khi tuyến đầu tiên khởi hành.
Du khách ở TP HCM cho biết lần gần nhất đến Côn Đảo cách đây 8 năm, đi tàu thường 12 tiếng từ Vũng Tàu ra đảo. Chị Ly chưa có dịp quay lại Côn Đảo phần lớn vì “phí đi lại bằng đường bay đắt đỏ, đi tàu lại tốn nhiều thời gian”.
Tàu cao tốc Thăng Long chạy tuyến TP HCM – Côn Đảo sẽ khai trương ngày 13/5 và khởi hành chuyến đầu tiên lúc 7h ngày 15/5 tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cách trung tâm TP HCM 22 km. Khách có thể đi tàu trung chuyển từ bến Bạch Đằng ra cảng Hiệp Phước, thời gian trung chuyển khoảng 52 phút. Thời gian vận chuyển khách từ cảng Hiệp Phước đến Côn Đảo khoảng 4,5 tiếng.
Tàu cao tốc Thăng Long được xem là tàu khách trên biển lớn nhất hiện nay ở Việt Nam. Tàu làm bằng hợp kim nhôm, dài 77,46 m, rộng hơn 9,5 m, với 4 tầng, được đóng mới vào tháng 8/2020 và có sức chứa 1.017 khách.
Bên trong tàu cao tốc lớn nhất Việt Nam
Theo chị Ly, tuyến tàu cao tốc TP HCM – Côn Đảo đi vào hoạt động giải quyết được phần chi phí đi lại đắt đỏ. Khách từ TP HCM muốn đi Côn Đảo không phải tốn thời gian đi cả trăm km đến cảng Vũng Tàu.
“Vé tàu rẻ hơn gần một nửa so với đi máy bay. Đi tàu ngắm biển là một trải nghiệm đáng để chờ đợi”, chị Ly nói.
Giá vé tàu cao tốc mỗi chiều dao động từ 615.000 đến 1,1 triệu đồng tùy hạng vé. Theo khảo sát, vé máy bay khứ hồi TP HCM – Côn Đảo trong tháng 5 có mức thấp nhất 3,5 triệu đồng.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc công ty Greenlines DP, đơn vị đồng khai thác, cho biết lượng khách quan tâm ngày một tăng từ khi có thông báo bán vé chính thức. Khoảng 60% khách đặt qua kênh trực tuyến, 40% mua trực tiếp tại bến Bạch Đằng hoặc mua qua các công ty du lịch phân phối vé. Khách mua vé tuyến tàu này đa số là khách nội địa, với 70% khách từ khu vực phía nam và 30% khách từ phía bắc.
Khách nước ngoài bắt đầu hỏi thăm với lượng tiếp cận khoảng 7%. Ông Hải cho biết công ty đang có kế hoạch liên kết với các kênh OTA quốc tế như Tripadvisor, Booking.com và các đại lý du lịch truyền thống để tiếp cận với nguồn khách này.
Theo ông Hải, tàu cao tốc Côn Đảo – TP HCM đi vào hoạt động là nỗ lực của nhiều bên. Các thủ tục và giấy phép mới được cấp đầy đủ cách đây một tuần. Việc khai thác gặp khó do Hiệp Phước là cảng hàng hóa, đang chờ được phê duyệt cấp phép làm cảng tàu khách. UBND TP HCM, Cục Hàng hải và Bộ Giao thông Vận tải đã rất quyết liệt để cùng nhau đưa tuyến tàu vào hoạt động.
“Vì là cảng hàng hóa nên cơ sở hạ tầng đón khách còn sơ khai, chưa có nhà chờ cho du khách. Trong năm nay dự kiến sẽ hoàn thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Hải nói.
Ông Hải nhận định tuyến cao tốc TP HCM – Côn Đảo là giải pháp hiệu quả về kinh tế trong bối cảnh vé máy bay đến đây tăng cao, ít chuyến. Hiện các máy bay đến Côn Đảo đều là máy bay nhỏ, chi phí vận hành cao dẫn đến hạn chế về tần suất khai thác và khó cắt giảm chi phí.
Ông cũng dự báo du lịch Côn Đảo sẽ sôi động trở lại, các dịch vụ du lịch trên đảo có khả năng đạt tối đa 100% công suất. “Dự kiến lượng khách tăng, đơn vị vận hành sẽ khai thác tàu chạy tần suất mỗi ngày một chuyến, vận chuyển tối đa 1.017 hành khách mỗi chuyến”, ông Hải nói.
Để tránh khả năng khách đến Côn Đảo đông mang theo lượng rác thải, đơn vị cũng xem xét đưa ra quy định không đem theo đồ ăn đóng gói, chai nhựa lên tàu ra đảo.
Ông Lê Trường Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở du lịch TP HCM, kỳ vọng tuyến tàu sẽ thúc đẩy sản phẩm du lịch liên kết vùng giữa TP HCM và Đông Nam Bộ, là đòn bẩy để phát triển thêm sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Khách tới TP HCM có thêm lựa chọn bên cạnh các sản phẩm du lịch nội đô.
“TP HCM đang khuyến khích doanh nghiệp địa phương liên kết với đơn vị vận hành tàu cao tốc TP HCM – Côn Đảo khai thác thêm các sản phẩm tour đường thủy để du khách có thêm lựa chọn”, ông Hòa cho biết.
Bích Phương
Theo vnexpress