Khám phá 4 ngôi đền nổi tiếng ở Bali

INDONESIA – Bali nổi tiếng với nhiều ngôi đền cổ, mỗi nơi một vẻ và có những trải nghiệm thú vị trong mắt du khách Việt.

Bali ngoài sở hữu những bãi biển đẹp còn nổi tiếng với những ngôi đền thiêng mang đậm phong cách Phật giáo giao thoa Hindu. Nguyễn Trần Hiếu và Tài Phạm, từ TP HCM, có chuyến trải nghiệm các ngôi đền trên đảo trong tháng 3.

Đền Tanah Lot trong ảnh là một trong những biểu tượng văn hoá, du lịch của Bali, tọa lạc trên một đảo đá bên bờ biển Thái Bình Dương. Khi thủy triều lên, nơi này biệt lập giữa biển khơi.

Theo truyền thuyết địa phương, vào khoảng thế kỷ XV, tu sĩ Ấn Độ Danghyang Nirartha đến Bali và thuyết phục người dân xây dựng ngôi đền để truyền bá đạo Hindu. Để bảo vệ Tanah Lot, ông đã biến chiếc khăn choàng đầu của mình thành con rắn khổng lồ quấn quanh ngôi đền. Ngày nay, người dân tin nơi này vẫn được rắn thần bảo vệ, họ đổ về đây cầu nguyện vào các dịp lễ lớn hằng năm. Đây cũng là điểm đông khách mỗi ngày bởi sở hữu vị trí ngắm hoàng hôn lý tưởng.

Từ TP Kuta, du khách có thể đến đây bằng xe bus hoặc taxi, quãng đường khoảng 20 km, Hiếu cho biết.

Được in trên tờ tiền 50.000 rupiah (khoảng 80.000 đồng), đền Pura Ulun Danu Bratan được xây dựng năm 1633, là ngôi đền thờ nữ thần nước Dewi Danu. Đền nằm cạnh bờ hồ Bratan, hồ lớn thứ hai ở Bali, được hình thành từ miệng một ngọn núi lửa cũ ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển.

Tháp 12 tầng trong đền được xây dựng bởi vua Mengwi của Bali. Khi mực nước trong hồ dâng lên, ngôi đền như nổi trên mặt nước. Nơi đây vì thế thành điểm check in nổi tiếng, mọi du khách đều được gợi ý đến đây khi tới Bali.

Những bức tường phủ rêu phong càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, linh thiêng cho ngôi đền. Hiếu nhận thấy trong đền khá mát mẻ do nằm trên cao, cạnh hồ nước. Du khách có thể tham quan đền với giá vé 75.000 rupiah (khoảng 120.000 đồng) từ 7h đến 19h hằng ngày.

Du khách có thể ghé mua những món đồ thủ công mỹ nghệ của người dân địa phương làm đồ lưu niệm như tượng mặt Phật, tượng hình khỉ, rắn, mèo bằng đồng, gỗ trên đường trở ra.

Đền Tirta Empul cách trung tâm đảo Bali khoảng 20 km, tương truyền được xây dựng từ thế kỷ thứ X. Ngôi đền độc đáo bởi được một dòng dòng suối chảy từ đỉnh núi cao bao bọc, quanh năm không cạn. Người dân địa phương thường đến đây tham gia nghi lễ tắm thánh hay còn gọi là Melukat. Họ cúi đầu trước một trong 12 vòi nước thánh để gột rửa những điều không may mắn và mong được chữa lành.

Người dân hoặc du khách bắt buộc mặc sarong (kiểu quần váy gồm một miếng vải lớn, quấn quanh người và buộc thắt lại ở eo), trang phục truyền thống của người Indonesia khi vào trong đền. Hiếu đã thuê một chiếc sarong tại một cửa hàng ở ngoài cổng đền. Giá thuê dao động 30.000 – 50.000 rupiah tùy loại.

Ngôi đền nằm ngay dưới chân của dinh Tổng thống Tampaksiring, một trong những cung điện quan trọng của Bali. Hiếu gợi ý du khách nên kết hợp tham quan, trải nghiệm.

Đền Pura Luhur Uluwatu nằm ở phía tây nam Bukit của Bali, là một trong 6 ngôi đền chính thống và thiêng liêng thờ thần Acintya, vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Như tên gọi “Ngôi đền trên vách đá”, Pura Luhur Uluwatu nằm trên vách đá cao khoảng 70 m so với mực nước biển. Khuôn viên đền rộng rãi, có thể chiêm ngưỡng cảnh biển Ấn Độ Dương bao la, nước xanh ngọc bích. Nơi này giúp du khách được trải nghiệm cả về thiên nhiên và văn hoá, đặc biệt khi được chứng kiến buổi diễn Kecak Dance.

Kecak Dance thường xuyên được biểu diễn ở nhiều nơi trên đảo Bali nhưng chỉ có Pura Uluwatu mới có bối cảnh ấn tượng dưới hoàng hôn. Điệu nhảy là sự kết hợp giữa nghi lễ Sanghyang nhằm xua đuổi tà ma của người Bali cổ xưa và những phân cảnh trong Ramayana Saga, bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng ở Ấn Độ. Sử thi kể về câu chuyện khỉ trắng Hanoman (ảnh) tìm kiếm và giải cứu cô vợ Shinta của hoàng tử Rama khỏi gã khổng lồ.

Kecak Dance lọt top 100 trải nghiệm du lịch thú vị ở Đông Nam Á (theo trang web của Tổ chức Vietkings) và thu hút lượng lớn du khách đến đền Pura Uluwatu chiêm ngưỡng.

Về cuối buổi trình diễn, khi Mặt Trời lặn, những ngọn đuốc là nguồn sáng còn lại. Cảnh tượng lửa vàng bùng lên ngay trước mặt, ánh sáng và hơi nóng tỏa ra đột ngột khiến Tài vừa sợ hãi vừa thích thú, trong khi nhân vật khỉ trắng lao vào giữa và “chơi đùa” với ngọn lửa bằng những điệu nhảy.

Mỗi ngày, tại đền Pura Uluwatu có hai khung giờ biểu diễn là 17h45 và 19h00, Tài khuyên du khách nên chọn suất đầu để ngắm cảnh hoàng hôn. Chi phí cho một người vào đền là 50.000 rupiah (khoảng 80.000 đồng). Suất xem Kecak Dance là 150.000 rupiah (khoảng 240.000 đồng) khi mua trực tiếp, mua online khoảng 139.000 rupia (khoảng 220.000 đồng).

Quỳnh Mai

Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần, Tài Phạm

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900633713