Loạt điểm check-in mới lạ tại Bình Định

Suối Tà Má, hồ Mỹ Bình, biển Lộ Diêu, huyện miền núi An Lão là những điểm đến xanh, gần gũi thiên nhiên và mới lạ với du khách ghé thăm Bình Định.

Ngoài thành phố Quy Nhơn nổi tiếng với du lịch biển và cảnh sắc hùng vĩ, tỉnh Bình Định còn nhiều địa danh, điểm đến đặc sắc với nhiều trải nghiệm thú vị. Bài viết gợi ý những điểm đến ngoài Quy Nhơn, phù hợp cho du khách ghé thăm Bình Định dịp hè 2024, nhất là nhân dịp địa phương đón hàng chục khách dịp VnExpress Marathon Quy Nhơn mùa thứ 5.

Suối Tà Má, huyện Vĩnh Thạnh

Vài năm gần đây, suối Tà Mà nổi lên như một điểm đến xanh, hấp dẫn bậc nhất tỉnh Bình Định. Con suối nằm ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, được bà con người dân tộc Ba Na gìn giữ nên có cảnh quan xanh mướt, dòng chảy trong veo len lỏi qua những bãi đá.

Những năm gần đây, dọc hai bên suối Tà Má chảy qua thôn Hà Ri, hoa trang rừng sắc đỏ cam bung nở, tạo nên khung cảnh ấn tượng. Nhiều du khách lựa chọn đến suối Tà Má vào dịp cuối tuần để vừa được ngắm hoa trang rừng, vừa được hít thở không khí trong lành.

Suối Tà Má ở huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Lê Na

Để phục vụ khách du lịch, người dân làng Hà Ri dựng những gian trại gỗ dọc suối Tà Má làm chỗ nghỉ ngơi, phục vụ ẩm thực. Du khách đến đây có thể tắm dưới suối, tổ chức pic cùng gia đình, khám phá văn hóa người dân tộc Ba Na đồng thời thưởng thức nhiều món đặc sản nối tiếng, trong đó có món gà thả đồi Vĩnh Thạnh.

Hồ Mỹ Bình, Thị xã Hoài Nhơn

Hồ Mỹ Bình không chỉ được biết đến là nơi cung cấp nước cho nông nghiệp mà còn là một địa điểm tham quan, ngắm cảnh được nhiều người yêu thích.

Có diện tích khoảng chừng 5 ha hồ Mỹ Bình gây ấn tượng với không gian mênh mông, gió trời lồng lộng cùng vẻ đẹp yên bình. Phần lớn hồ được bao quanh bởi núi, mặt hồ êm ả, sóng gợn li ti. Check-in tại hồ Mỹ Bình, ngoài ngắm cảnh, khách tham quan có thể cắm trại, câu cá, chèo thuyền và tận hưởng những khoảnh khắc giao hòa cùng thiên nhiên.

Ngoài hồ Mỹ Bình, Hoài Nhơn còn rất nhiều điểm đến đặc sắc khác. Tiêu biểu là bãi biển Lộ Diêu. Trái ngược với những bãi biển sôi động tại Quy Nhơn, Lộ Diêu cuốn hút với những người yêu thích sự hoang sơ với bãi cát vàng bao bọc các gành đá. Với địa thế ba mặt giáp núi, trước mặt biển cả, nên trong kháng chiến, Lộ Diêu được chọn làm bến tàu không số để vận chuyển súng đạn, lương thực tiếp tế miền Nam. Ngày nay, khu vực này là một làng chài yên bình. Du khách đến Lộ Diêu có thể tìm hiểu cuộc sống người dân làng chài, tắm biển, check-in với những bãi đá hay thưởng thức hải sản tươi sống.

Khám phá ‘cổng trời”, huyện An Lão

An Lão là huyện miền núi cách trung tâm TP Quy Nhơn 115 km về phía tây bắc. Nơi cao nhất là xã An Toàn, 1.000 m so với mực nước biển, được ví như “cổng trời” của tỉnh Bình Định. Sáng sớm và tối muộn, nơi đây chìm trong màn sương.

Phần lớn diện tích nơi này là rừng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Len lỏi giữa những cánh rừng là những dòng suối, thác, như thác Giáng Tiên (thác Bốn Tầng ở xã An Quang), thác R’rê, thác Rông (xã An Vinh), thác Đá Ghe, thác Long Vo (xã An Hưng). Trong đó, Giáng Tiên là cảnh đẹp nổi bật nhất ở An Lão, điểm đến yêu thích của dân phượt, trekking những năm gần đây. Đến đây, du khách được đắm chìm trong “bản nhạc thiên nhiên” với tiếng nước chảy hòa lẫn tiếng chim hót, tiếng ếch nhái.

Một góc xã An Toàn, huyện An Lão – nơi được xem là cổng trời của Bình Định. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Du khách đến An Lão được trải nghiệm cuộc sống và văn hóa bản địa độc đáo bởi đây là nơi có ba dân tộc sinh sống gồm Ba Na, H’Re và Kinh. Các khu dân cư của người địa phương chủ yếu xây dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống.Đặc sắc nhất là các món ăn của người đồng bào. Du khách có thể ăn cá suối nướng, ngóe nướng (một loại nhái), ốc đá bắt ở suối, rau dớn.

Về đất võ Tây Sơn

Tây Sơn là cái nôi của vùng đất võ, được xem là nơi “địa linh nhân kiệt”. Những địa điểm thuộc huyện Tây Sơn gắn liền với lịch sử, văn hóa và niềm tự hào dân tộc.

Đến Tây Sơn, du khách thường chọn ghé thăm Bảo tàng Quang Trong. Đây là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng nhất của Bình Định liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và ba vị anh hùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ.

Nổi bật trong bảo tàng là Tây Sơn điện, nơi thờ cúng của ba anh em họ Nguyễn. Khuôn viên điện bố trí mộc mạc với giếng nước, cây me hàng trăm năm tuổi và cả một bến sông. Du khách được xem võ thuật và trống trận Tây Sơn để gợi nhớ về lịch sử hào húng.

Hầm Hô – khúc sông gắn liền với lịch sử của Tây Sơn. Ảnh: Nguyễn Dũng

Gắn với lịch sử vùng đất Tây Sơn còn có Hầm Hô – một trong những căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn. Tên gọi là Hầm Hô nhưng thực tế đây là một khúc sông với cảnh quan hùng vĩ – cách Bảo tàng Quang Trung 9 km. Giữa mặt nước hàng trăm tảng đá nhô lên còn hai bên bờ là những dãy núi với hệ động thực vật phong phú.

Hiện nay, du khách đến Hầm Hô có thể trải nghiệm rất nhiều hoạt động như đạp xe trên nước, bơi thuyền thể thao, tắm suối, câu cá, chèo thuyền trên sông, BBQ, đốt lửa trại, chương trình biểu diễn nghệ thuật,…

Hoài Phương

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900633713