Suối Cửa Tử trước khi bị vùi lấp

THÁI NGUYÊN – Trước khi bị vùi lấp nhiều phần bởi trận mưa lớn, suối Cửa Tử là điểm đến yêu thích của những người đam mê trekking vì sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ.

Suối Cửa Tử thuộc quản lý của Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc, nhưng du khách thường tiếp cận khu vực này thông qua các đường từ xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45 km. Dòng suối nằm ở sườn đông của dãy Tam Đảo, bắt nguồn từ núi cao, chảy qua xã Hoàng Nông khoảng 7 km rồi đổ ra sông Công.

Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, không khí mát mẻ, cùng cung đường trekking nhiều địa hình sườn núi, vách đá, khu vực này được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến cho mùa hè.

Suối Cửa Tử chia thành 7 thác, người dân gọi là 7 cửa. Thông thường, khách trekking nhẹ nhàng chỉ tham quan khu vực cửa 1 đến 3, vào sâu sẽ mạo hiểm hơn. Trong ảnh là một góc máng trượt (thác trượt – nằm giữa cửa 2 và 3) nhìn từ trên cao. Máng trượt này do nước chảy đá mòn qua thời gian tạo thành.

Hiện tại, đoạn máng trượt bị đất đá vùi lấp nên chỉ còn một phần ngắn.

Theo UBND xã Hoàng Nông, trận mưa lớn cục bộ trên địa bàn vào khoảng 20h ngày 12/5, kéo dài liên tục trong ba giờ, đã gây ra lũ ống, lũ quét làm ảnh hưởng tới dòng suối Cửa Tử – nơi một số người dân đang khai thác hoạt động du lịch.

Sạt lở đất đá từ trên núi đã vùi lấp nhiều đoạn thác nước tại cửa 2 và cửa 3, dòng suối chính bị thay đổi. Về phía thượng nguồn, đơn vị chưa tiếp cận được do đường xấu.

Suối Cửa Tử là điểm du lịch tự phát, người dân địa phương bắt đầu tự tổ chức tour khám phá từ khoảng 7 năm trước.

Đại diện Vườn quốc gia Tam Đảo cho biết khu vực cửa 1 vẫn đẹp nhưng các khu vực bên trong được người dân “tự quảng bá” thời gian qua như máng trượt, thác thiên đường bị đất đá vùi lấp. Đơn vị không có giải pháp khắc phục, vì đây là rừng đặc dụng, liên quan đến các chính sách, quy hoạch.

Thông thường, du khách chọn điểm bắt đầu chuyến trekking là thôn Đồng Khuân, xã Hoàng Nông. Khu vực suối không bán vé tham quan và nhiều đường mòn trong rừng nên khách thường thuê dịch vụ của một số người địa phương để tránh lạc.

Việt Linh, du khách Hà Nội, từng trải nghiệm trekking suối Cửa Tử năm 2023, nói đây là điểm đến “tuyệt vời” cho người ưa khám phá với nhiều trải nghiệm như tắm suối, trượt thác, nhảy thác. Đường vào nhỏ, khó đi nên anh thuê hướng dẫn viên bản địa hỗ trợ.

Anh nhận xét nước suối trong, mát nhưng đá bám nhiều rêu, dễ trơn trượt. Một số đoạn suối khá sâu, người không biết bơi cần chuẩn bị phao để đảm bảo an toàn.

Ánh nắng chiếu qua những tán cây rừng trên đường trekking tạo thành các vệt sáng mờ ảo. Trên đường đi vào suối, du khách được hòa mình vào không gian xanh, tươi tốt.

Những thân cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường khám phá con suối Cửa Tử.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, tên Cửa Tử xuất phát từ chuyện vợ chồng Núi – Ngàn. Khi giặc phương Bắc chuẩn bị xâm lược nước ta, người chồng (Núi) lên đường đánh giặc, người vợ ở nhà cùng bố mẹ chồng làm nương, dệt vải.

Phòng tuyến biên giới bị vỡ, giặc tràn vào đốt phá khắp nơi. Dân trong vùng kéo vào núi chạy giặc, đến cửa rừng đã bị đuổi kịp. Tộc trưởng kêu gọi mọi người cùng nhau chiến đấu. Trận chiến kết thúc, xác giặc chồng chất, Ngàn và bố mẹ tử trận, từ đó cửa rừng còn được gọi là Cửa Tử.

Chèo SUP bên dòng thác đổ là một trong những trải nghiệm được du khách yêu thích nhất khi tới đây.

Một góc khác của suối Cửa Tử nhìn từ trên cao.

Khu vực cửa 3, còn gọi là thác Thiên Đường hay Tuyệt Tình Cốc có phong cảnh hữu tình, xung quanh là những cây rừng rậm rạp, rêu phủ xanh nhiều mảng đá.

Cửa 3 cũng là khu vực thường được các đoàn chọn để cắm trại, nghỉ trưa. Hành trình khám phá suối Cửa Tử thường kéo dài một ngày với quãng đường khoảng 20 km cả đi lẫn về.

Khu vực cửa 7 thường dành cho người ưa mạo hiểm. Anh Văn Tùng, người địa phương, cho biết đường vào đây nhiều đoạn dốc, lội suối. Một số đoạn, du khách phải men theo những ghềnh đá trơn trượt, nguy hiểm.

Suối Cửa Tử bị vùi lấp nhiều đoạn sau mưa lớn khiến nhiều đoàn khách trekking bị hủy tour. Những người làm du lịch địa phương thấy tiếc vì cảnh đẹp bị tàn phá bởi mưa lũ.

Tú Nguyễn

Ảnh: Tùng Núi/Hoàng Nông Farm

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900633713